Shopee 8.8

Các hoạt động thể thao, tai nạn hay các thói quen vận động sai tư thế đều có thể dẫn đến chấn thương ở tay. Việc nhận biết sớm và có phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp nâng cao khả năng hồi phục và ngăn ngừa biến chứng lâu dài. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn 4 chấn thương thường gặp ở tay, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị. Hãy cùng theo dõi nhé!

1. Bong gân cổ tay

Bong gân cổ tay xảy ra khi dây chằng ở cổ tay (phía ngoài hoặc giữa cổ tay) bị kéo giãn quá mức, làm cho điểm liên kết giữa dây chằng và xương bị rách một phần hoặc đứt hoàn toàn. Khi bị bong gân cổ tay, bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu như:

  • Cơn đau xuất hiện ngay sau chấn thương, tăng lên khi nâng tay hoặc nắm chặt bàn tay và thường thuyên giảm sau vài ngày.
  • Khu vực cổ tay có dấu hiệu sưng phồng, đôi khi đi kèm bầm tím.
  • Khớp cổ tay trở nên cứng và yếu, làm giảm khả năng linh hoạt, sức mạnh và khó thực hiện các hoạt động như cầm, nắm đồ vật.
  • Khi chạm vào cổ tay, có thể nhận thấy vùng này ấm hơn bình thường do tăng lưu lượng máu.

Đối với các trường hợp nhẹ, người bệnh thường được khuyến nghị thực hiện nguyên tắc RICE. Với những trường hợp nặng hơn, như dây chằng bị rách hoặc đứt hoàn toàn, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng nẹp hỗ trợ hoặc phẫu thuật để tái tạo dây chằng. 

Sau khi điều trị ban đầu, việc tập vật lý trị liệu bàn tay đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi. Các bài tập trị liệu giúp cải thiện sức mạnh, tính linh hoạt và khả năng vận động của cổ tay và bàn tay, đồng thời giảm nguy cơ tái phát.

Bong gân cổ tay thường xảy ra ở tư thế sử dụng bàn tay chống đỡ khi bị ngã

Bong gân cổ tay thường xảy ra ở tư thế sử dụng bàn tay chống đỡ khi bị ngã

2. Trật khớp cổ tay

Trật khớp cổ tay xảy ra khi các xương cổ tay bị lệch khỏi vị trí tự nhiên, làm mất đi tính ổn định của khớp. Điều này thường đi kèm với sự sai lệch cấu trúc, gây đau đớn và biến dạng khớp rõ rệt. Triệu chứng nhận biết trật khớp cổ tay:

  • Cơn đau dữ dội, tăng lên khi cử động cổ tay.
  • Bầm tím, sưng tấy rõ rệt ở vùng cổ tay.
  • Vùng da ở cổ tay trở nên mềm và nhạy cảm khi chạm vào.
  • Cứng khớp, hạn chế biên độ vận động của cổ tay và các ngón tay.
  • Biến dạng cổ tay, có thể nhìn thấy rõ qua hình dáng bất thường.
  • Ngứa hoặc tê ở các ngón tay, đặc biệt là ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa, do dây thần kinh bị chèn ép.

Điều trị trật khớp cổ tay cần được thực hiện nhanh chóng để tránh biến chứng và bảo vệ chức năng cổ tay. Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng mức độ tổn thương, bao gồm cả xương và dây chằng.

  • Đối với các trường hợp trật khớp đơn thuần: Bác sĩ sẽ tiến hành nắn chỉnh để đưa các khớp trở lại vị trí ban đầu. Sau đó, cổ tay sẽ được cố định bằng nẹp hoặc băng để giữ cho xương ổn định trong quá trình lành lại.
  • Trật khớp kèm dây chằng bị tổn thương nghiêm trọng hoặc có các mảnh xương di lệch: Trường hợp này phẫu thuật có thể được chỉ định để tái tạo cấu trúc tổn thương và bảo vệ chức năng cổ tay.
Trật khớp cổ tay có thể xảy ra do lao động nặng, tai nạn hoặc các môn thể thao đòi hỏi nhiều chuyển động gập duỗi cổ tay

Trật khớp cổ tay có thể xảy ra do lao động nặng, tai nạn hoặc các môn thể thao đòi hỏi nhiều chuyển động gập duỗi cổ tay

3. Giãn dây chằng khuỷu tay

Giãn dây chằng khuỷu tay là một dạng chấn thương khi các sợi dây chằng bị kéo căng, dẫn đến bị giãn hoặc rách rất nhỏ và có rất ít hoặc không có tổn thương ở khớp. Tình trạng này tương đương với chấn thương dây chằng độ I, khuỷu tay vẫn giữ được độ ổn định và các triệu chứng đau nhức có thể không quá rõ ràng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, tình trạng này dễ tái phát và mỗi lần tái phát thường nghiêm trọng hơn, khiến thời gian hồi phục kéo dài.

Các biểu hiện thường thấy của giãn dây chằng khuỷu tay bao gồm đau nhức, sưng tấy khu vực tổn thương, hạn chế vận động, cảm giác tay yếu và giảm linh hoạt khi thực hiện các hoạt động bình thường.

Khi có những biểu hiện trên, người bệnh cần hạn chế cử động và nhanh chóng chườm lạnh để giảm sưng, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Khi đã phục hồi, người bệnh cũng cần thay đổi thói quen sinh hoạt như tránh các hoạt động gây áp lực lớn lên khuỷu tay hoặc sử dụng thiết bị bảo hộ trong thể thao và lao động sẽ giúp bảo vệ khớp khuỷu tay lâu dài.

Giãn dây chằng khuỷu tay thường ít được chú ý do biểu hiện không quá rõ ràng

Giãn dây chằng khuỷu tay thường ít được chú ý do biểu hiện không quá rõ ràng

4. Rách chóp xoay

Rách chóp xoay vai là tình trạng rách một hoặc nhiều gân cơ trong nhóm cơ này, dẫn đến suy giảm hoặc mất khả năng vận động của khớp vai. Các triệu chứng của rách chóp xoay bao gồm:

  • Đau nhức vai liên tục, đặc biệt tăng lên khi dạng hoặc xoay cánh tay.
  • Yếu cánh tay, khó thực hiện các động tác như chải đầu, mặc áo.
  • Đau lan lên cổ hoặc xuống cánh tay, đau rõ hơn vào ban đêm.
  • Hạn chế phạm vi vận động, vai có thể bị biến dạng trong trường hợp nghiêm trọng.
  • Cảm giác tê hoặc yếu do chèn ép dây thần kinh.

Để chẩn đoán chính xác rách chóp xoay, bác sĩ thường kết hợp các phương pháp khác nhau như khám lâm sàng, chụp X-quang, siêu âm, chụp cộng hưởng từ,… Việc điều trị sau đó sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương của người bệnh, có thể bao gồm tập vật lý trị liệu rách chóp xoay, sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm,… 

Trong trường hợp rách chóp xoay ở mức độ nặng, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật để giảm đau nhức và cải thiện chức năng, mức độ vận động khớp vai. Việc kết hợp điều trị bảo tồn, phẫu thuật (khi cần) và tập vật lý trị liệu rách chóp xoay đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục. Đồng thời, duy trì lối sống lành mạnh và thói quen phòng ngừa là cách tốt nhất để bảo vệ khớp vai.

Rách chóp xoay có thể xảy ra do các chấn thương đột ngột, viêm gân hoặc thoái hóa

Rách chóp xoay có thể xảy ra do các chấn thương đột ngột, viêm gân hoặc thoái hóa

Các chấn thương thường gặp ở tay đều có thể để lại những hậu quả đáng lo ngại nếu không được điều trị đúng cách. Vì vậy, khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp phòng ngừa và duy trì lối sống khoa học sẽ góp phần bảo vệ chức năng vận động của tay, đảm bảo sự thoải mái và linh hoạt trong các hoạt động hằng ngày.

Nếu bạn hoặc người thân đang gặp vấn đề về chấn thương ở tay, hãy tìm đến các trung tâm phục hồi chức năng uy tín để được tư vấn và điều trị kịp thời. Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA là một lựa chọn đáng tin cậy, nơi áp dụng các phương pháp tiêu chuẩn Nhật Bản cùng đội ngũ chuyên gia tận tâm. Truy cập https://myrehab-matsuoka.com/ để biết thêm thông tin chi tiết.