Đã bao thế hệ trôi qua, người dân trên mọi miền Tổ Quốc vẫn lưu giữ các phong tục ngày Tết cổ truyền. Đó được xem như nét đẹp văn hóa không thể bỏ qua của người dân Việt Nam. Sau một năm dài lao động vất vả, Tết là dịp gia đình đoàn tụ và vui chơi bên nhau. TopReview.vn sẽ cùng các bạn điểm lại các phong tục trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam nhé!
1/. Cúng ông Công, ông Táo
Cứ đến 23 tháng Chạp hầu như gia đình nào cũng dành thời gian thực hiện phong tục này. Tục đưa ông Công, ông Táo về trời đã có từ rất lâu đời. Cho đến hiện nay tục lệ ấy vẫn được người Việt Nam gìn giữ.
Tập tục phổ biến ngày Tết
Theo người xưa kể lại, ngày này trong năm, ông Công, ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên trời. Các ông bẩm báo lại với Ngọc hoàng về các hoạt động của gia chủ trong một năm vừa qua. Chẳng biết sự việc này có thật hay không? Nhưng người dân Việt Nam vẫn lưu giữ phong tục tết cổ truyền này cho đến tận bây giờ.
2/. Dọn dẹp nhà cửa – tân trang đón nàng Xuân
Tết là dịp mọi người dân đều được nghỉ lễ trong thời gian dài. Đây là dịp rảnh rỗi trong năm để bà con, bạn bè gần xa ghé thăm nhau. Thế nên mỗi gia đình đều tất bật dọn dẹp nhà cửa đón và tiếp đãi khách.
Tục dọn dẹp nhà cửa trước Tết để đón bà con, bạn bè vào nhà đầu năm. Theo quan niệm của nhiều gia đình Việt, phong tục này còn có ý nghĩa đặc biệt hơn. Đó là quét đi những điều không may trong năm cũ. Nhà cửa trang hoàng, sạch đẹp sẵn sàng đón chào những điều tốt lành trong năm mới.
3/. Sắm đồ Tết – phong tục ngày Tết cổ truyền
Có lẽ phong tục sắm đồ Tết chính là tục già trẻ trong nhà đều trông đợi. Thuở xưa, khi kinh tế khó khăn, chỉ có dịp Tết mọi người mới có những chiếc áo mới. Chính vì lẽ đó, tục sắm đồ Tết trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Cuộc sống phát triển hơn, con người thoải mái hơn khi sắm sửa quần áo. Thế nhưng phục tục này vẫn được lưu giữ. Dịp Tết đến, ai cũng mong muốn khoác lên mình tấm áo mới. Với quan niệm, ngày Tết phải thật xinh tươi, rạng rỡ để đón chờ một năm an khang, nhiều may mắn.
4/. Đi chợ hoa – điểm nhấn ngày Tết
Trên khắp nẻo đường Việt Nam, hoa Tết hiện diện khắp nơi. Dịp giáp Tết là thời điểm người dân làm hoa tất bật nhất trong năm. Ai cũng chăm bón, nâng niu cho ra đời những cánh hoa xinh nhất phục vụ Tết.
Chợ hoa thành lập chỉ duy nhất vào thời điểm Tết nguyên đán. Muôn trùng màu sắc, hình dáng các loài hoa khoe sắc trong nắng xuân. Người dân đi chợ hoa rất đông. Người thì ngắm cảnh, vui chơi bên nhau. Có người lại tranh thủ sắm cho gia đình những chậu hoa xinh nhất để trang trí cho ngôi nhà của mình.
5/. Thăm mộ tổ tiên – phong tục không thể thiếu trong ngày Tết
Tết là dịp những người con xa xứ quay về bên gia đình, bên quê hương. Phong tục thăm mộ tổ tiên là tục lệ không thể thiếu trong các hoạt động xuân. Bên cạnh việc vui chơi, trẫy hội, người Việt Nam không quên dành thời gian viếng thăm mộ ông bà.
Thăm mộ tổ tiên là cách con cháu tưởng nhớ đến công ơn các bậc sinh thành, ông bà. Vào dịp này, những người trong gia đình chia nhau công việc quét tước, dọn dẹp mộ ông bà. Những người phụ nữ chuẩn bị mâm cơm cúng bái. Họ cũng không quên dân lên tổ tiên những nhành hoa đẹp.
6/. Gói bánh chưng, bánh tét – phong tục đẹp ngày Tết
Ở miền Bắc có món bánh chưng truyền thống. Tết miền Tây, bánh tét lại lên ngôi. Thời xưa, bà con trong buôn làng tụ tập bên nhau gói những chiếc bánh ngon. Bánh tét ra lò được dâng lên cúng ông bà vào 28 -29 tết. Phong tục gói bánh tét đến ngày nay vẫn còn lưu giữ nhưng phổ biến nhất là ở các làng quê.
Phong tục gói bánh tét là dịp những người phụ nữ quây quần bên nhau. Họ vừa thoăn thoắt trong công đoạn làm bánh, vừa rôm rả trò chuyện bên nhau. Những hình ảnh ấy báo hiệu mùa xuân đã về.
7/. Đón giao thừa – khoảnh khắc thiêng liêng dịp Tết
Trong khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới. Chắc hẳn rằng, ai trong chúng ta cũng cảm thấy bồi hồi, xao xuyến. Bên cạnh việc đón xem các chương trình văn nghệ, mỗi gia đình không quên chuẩn bị mâm cúng, đón chờ giao thừa đến.
Cúng đón giao thừa là tập tục lâu đời đối với người Việt. Tùy theo điều kiện mỗi gia đình, mâm cúng sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, mọi người đều mong muốn một năm mới bình an và hạnh phúc.
8/. Chúc Tết đầu năm – niềm vui ngày Tết
Mùng một Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy. Tục lệ chúc Tết đầu năm như một nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Thông thường, mỗi gia đình sẽ lên lịch cụ thể cho chuyến chúc Tết đầu năm. Phổ biến nhất vẫn là mùng 1 bên Nội, mùng 2 bên Ngoại và mùng 3 chúc Tết thầy, cô.
Những bao lì xì đỏ thắm mang đến niềm vui, tiếng cười cho năm mới. Bên cạnh đó, nó còn mang ý nghĩa đem đến sự may mắn, bình an. Khoảnh khắc chúc Tết mang nét đẹp cổ truyền và cũng là một trong những nét đẹp văn hóa ngày Xuân.
Ngày Tết của người dân khắp cả nước không thể thiếu những phong tục đặc sắc trên. Với không khí tưng bừng dịp Xuân về, các phong tục Tết xưa vẫn luôn hiện diện trong mỗi gia đình. Tết Canh Tý đang đến gần, chúc bạn đọc một năm an khang thịnh vượng!