Kẻ trộm sách là một tác phẩm khá kỳ lạ, nó mang màu của sự chết chóc nhưng lại tràn đầy hơi thở của sự sống. Những nhân vật trong câu chuyện được đặt bối cảnh trong một cuộc chiến tranh tàn khốc, để rồi sau tất cả chúng ta nhận ra rằng, nhân hậu nhất là con người, độc ác nhất cũng là con người. Quả là một tác phẩm đầy hấp dẫn, hãy xem nội dung chi tiết qua bài viết review Kẻ trộm sách này nhé.
#1. Khi thần chết kể chuyện về sự sống của con người
Kẻ trộm sách được các độc giả trên toàn thế giới biết đến với cái tên The Book Thief. Đây là một tiểu thuyết lịch sử được viết bởi tác giả người Úc Markus Zusak. Sau khi được xuất bản vào năm 2005, Kẻ trộm sách đã trở thành một trong những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất Thế giới theo bình chọn của tạp chí NewYork Time. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ khác nhau. Cuốn tiểu thuyết xuất sắc này đã được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên vào năm 2013 với thông điệp “Lòng can đảm vượt xa mọi ngôn từ”.
#2. Tóm tắt nội dung tác phẩm
Câu chuyện về Liesel
Được lấy bối cảnh ở những năm thế chiến thứ hai, cuốn sách nói về Liesel Meminger – một bé gái được nhận nuôi ở phố Thiên Đàng. Tại đây, nhờ tình yêu và sự đam mê với sách và từ ngữ, cô đã gắn kết con người mình với mọi người xung quanh.
Lúc ấy Liesel chỉ mới 9 tuổi. Bố mẹ ruột của cô bị đưa đến trại tập trung, em trai cô đã chết trên đường khi đến nhà bố mẹ nuôi. Tại phố Thiên Đàng, ông bà Hans Hubermann đã nhận nuôi cô. Cô lớn lên với tình yêu thương của bố, sự hà khắc của mẹ, sự khủng khiếp của bom đạn và sự cuốn hút của những quyển sách.
“Vẫn luôn như thế, sự phấn khích và mong ngóng chiến tranh. Tôi đã gặp nhiều thanh niên trẻ trong những năm qua. Chúng nghĩ rằng mình đang chạy đến với kẻ thù, nhưng sự thật là chúng đang chạy đến với Tôi” – trích Kẻ trộm sách
Với một cuộc sống nghèo khó ở phố Thiên Đàng, Liesel đã phải chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh. Cô cảm thấy rùng mình của chế độ phát xít với những người Do thái vô tội. Mặc dù công dân nước Đức rất trung thành với Quốc trưởng. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có những con người như Hans – cha nuôi của cô, lén lút giấu trong nhà mình một thanh niên người Do thái. Và vì hành động đó, gia đình của Hans đã phải sống trong những tháng ngày căng thẳng tột cùng.
Trong câu chuyện của Liesel, thần chết khá ấn tượng với niềm say mê của cô. Cô có thể ăn cắp những cuốn sách bất cứ khi nào. Khi nhìn thấy sách, Liesel cảm thấy một sự say mê đặc biệt nào đó không thể diễn tả được.
“Khắp nơi là sách! Trên mỗi bức tường là những chiếc kệ nhét đầy sách nhưng hết sức trật tự. Khó có thể nhìn thấy được lớp sơn tường. Chỉ có những con chữ theo phong cách và kích thước khác nhau trên gáy của những quyển sách màu đen, màu đỏ, màu xám, những quyển sách đủ màu. Đó là một trong những cảnh tượng đẹp đẽ nhất mà Liesel Meminger từng thấy. Con bé nở nụ cười kinh ngạc.” – trích Kẻ trộm sách.
Đau thương ập xuống những kẻ vô tội
Có rất nhiều bất hạnh đã ập xuống những con người vô tội ở phố Thiên Đàng. Những đứa trẻ mang nhiều phẩm chất tốt đẹp như Rudy cũng phải lãnh chịu số phận bi thương. Chứng kiến những hình ảnh đó, chính trái tim của Thần chết cũng cảm thấy đau lòng thay cho số phận của con người. Đứng trước những gì con người gây ra cho đồng loại của mình, Thần chết cũng phải thốt lên rằng.
“Tôi nhìn thấy sự xấu xí và vẻ đẹp của họ, và tôi tự hỏi rằng làm sao mà một thứ như vậy lại có thể mang cả hai thuộc tính này.” – trích Kẻ trộm sách.
Khi lật qua từng trang sách, bạn như bước vào một cuộc trò chuyện với Thần chết. Là một nhân vật có khiếu hài hước, ông có một lời cảnh báo nho nhỏ đầy hóm hỉnh với câu mở đầu là bạn sẽ chết.
Đây là một tác phẩm có quá nhiều cái chết nhưng cũng đầy ắp tình yêu thương và thấm đẫm tính nhân văn. Dù vậy, nội dung chính không lột tả về cảnh chiến trường đẫm máu mà câu chuyện kể về Liesel. Kể về một thị trấn nhỏ nghèo nàn với những trận bóng đá của trẻ con, những phi vụ trộm vặt của đám trẻ đói khát, tình bạn đẹp giữa Liesel và Rudy.
Khi đọc kẻ trộm sách, người đọc sẽ bị kéo vào những cảm xúc nghẹt thở, muốn ngừng lại nhưng không thể nào đặt cuốn sách xuống được. Ta buộc phải đi theo nó đến cùng, để rồi vỡ òa trong niềm thổn thức nghẹn ngào.
Xem thêm: Review sách “Đọc vị bất kỳ ai”
Sự đặc biệt của những cuốn sách
Ở tác phẩm Kẻ trộm sách, Markus Zusak muốn nói với chúng ta về sự đặc biệt của những cuốn sách. Nó đã giúp cô bé Liesel vực dậy tinh thần thành công. Những cuốn sách đã giúp cho người dân ở phố Thiên Đàng có thêm niềm vui qua những thời khắc đáng sợ của bom đạn. Nó cũng là sợi dây nối liền tình bạn đẹp đẽ của Liesel và Max, là ngọn nến thắp sáng cho cuộc đời dài đằng đẵng của Liesel.
Quả thật là một cuốn sách kỳ diệu qua lời kể chuyện của thần chết – hiện thân của sự mất mát, chết chóc, tăm tối và hủy diệt. Nhưng cũng qua lời kể ấy, ta có thể thấy được ánh sáng giữa màu xám xịt của cuộc chiến tranh tàn khốc ở nước Đức thời bấy giờ. Người đọc sẽ cảm nhận được những điều tốt đẹp của con người, nó sẽ sưởi ấm và xoa dịu bạn.
Con người có lẽ là tạo vật kỳ lạ nhất trên thế gian này. Giống như lời của thần chết khi kết thúc cuốn sách.
“Tôi những muốn hỏi bà ấy làm sao mà một giống loài lại có thể vừa xấu xa vừa quá vĩ đại như vậy, và làm sao mà từ ngữ của giống loài ấy lại có thể vừa đáng nguyền rủa vừa thần diệu đến thế.” – trích Kẻ trộm sách.
Mặc dù bối cảnh được lấy từ cuộc chiến tranh đầy khắc nghiệt, nhưng vời lời văn nhẹ nhàng của Markus, tác phẩm đã đi sâu vào tâm trí con người. Ông đi từ những sự phiền muộn u tối để rồi khơi gợi lên những điều đẹp đẽ nhất. Trong cuốn sách của ông, mỗi nhân vật đều có những vẻ đẹp của tình cảm đầy trìu mến. Độc giả sẽ không thể nào quên một Liesel say mê tưởng tượng, người bố Hans với trái tim nhân hậu ấm áp, cậu bé tóc vàng Rud ngây thơ thẳng thắn, chàng thanh niên do thái Max lặng lẽ nhưng nồng nhiệt.
#3. 8 bài học ý nghĩa trong kẻ trộm sách
Bài học đầu tiên
Sách vở là một thứ rất quý giá. Không cần phải dài dòng, tự thân cái tên của tựa đề sách cũng đủ để nói lên điều này. Cô bé Liesel đã có quyển sách đầu tiền nhờ nhặt được của một người đào mộ, quyển sách có tên Cẩm nang dành cho người phụ tang lễ. Mặc dù lúc đó cô bé chưa biết đọc chữ, nhưng cô vẫn rất yêu quý quyển sách này.
Bài học thứ hai
Tình thương sẽ tạo nên mái ấm. Mặc dù không phải là cha mẹ ruột của Liesel, ông bà Hans vẫn yêu thương cô bé như chính con ruột của mình. Hans rất yêu trẻ con, thánh thiện và tốt bụng. Còn vợ của Hans mặc dù luôn tỏ ra dữ dằn với cô, nhưng lại rất nhân từ và nghĩa khí. Cả hai đã dùng chính tính yêu của mình để khiến cho Liesel cảm nhận được tình thương của mái ấm gia đình.
Bài học thứ ba
Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Trong quá khứ, bố của Max đã từng hy sinh trong trận chiến để bảo vệ Hans. Và khi Max tìm đến nhà Hans, ông bà đã ngay lập tức cho cậu tá túc trong nhà mà không kêu ca gì. Tác phẩm một lần nữa muốn nhắc mọi người về tình nghĩa ở đời. Nếu ta giúp đỡ người khác, thì sớm muộn gì ta cũng sẽ được đền đáp.
Xem thêm: Review sách “Vô thường”
Bài học thứ tư
Có một người bạn thân thật tốt. Có lẽ sẽ có rất nhiều độc giả thích thú và yêu mến tình cảm đặc biệt giữa Liesel và cậu bé Rudy. Dù chỉ mới 12 tuổi, nhưng Rudy đã có chút chững chạc và một niềm đam mê rõ ràng. Cậu chính là mẫu bạn trai trẻ con nên có trong mỗi cuộc đời của một cô gái.
Bài học thứ năm
Luôn có sự kỳ diệu. Mỗi một quyển sách đến tay Liesel dều diễn ra khá bất ngờ như một phép màu. Điều kỳ diệu nhất là sự việc cô gặp được vợ của ngài thị trưởng. bên cạnh đó, cô cũng nhận ra tâm hồn cao đẹp và đáng khâm phục của bà.
Bài học thứ sáu
Hãy kiên định với mục tiêu của mình. Hans đã được kêu gọi rất nhiều lần vào đảng Hitler để phục vụ Đức quốc xã, nhưng ông đã kiên quyết từ chối. Một người đàn ông dù nghèo khó nhưng vẫn kiên trì sống với sự tự tôn của mình, thật đáng khâm phục.
Bài học thứ bảy
Yêu thương đôi khi không cần nói thành lời. Xuyên suốt tác phẩm, độc giả sẽ không thấy được Hans và vợ của ông nói lời yêu thương nào dành cho nhau. Nhưng nếu bạn dùng trái tim để cảm nhận, bạn sẽ thấy Rosa -– vợ của Hans, rất yêu thương chồng con, chỉ có điều bà không nói ra mà thôi.
Bài học thứ tám
Cuộc đời vốn dĩ không công bằng. Đây là một bài học khá đau lòng, nhưng đó là điều mà chúng ta nên ghi nhớ. Cuộc sống này đầy rẫy những bất công, đôi khi thay vì chúng ta tìm cách chống lại nó. Thì ta hãy cố gắng tìm những giá trị cao đẹp ẩn sâu trong nó. Tìm thấy niềm vui trong giông bão, chính là những gì mà Liesel thực sự theo đuổi.
#4. Review của độc giả
Một bạn độc giả bình luận ” Không biết do tình cờ hay là thói quen mà sau khi đọc xong một cuốn sách tâm đắc nào đó thì mình lại đọc được một cuốn sách khác có chủ đề liên quan hoặc cùng tác giả của cuốn sách trước. Kẻ trộm sách rơi vào trường hợp thứ nhất, và là một sự tiếp nối thú vị của Nửa kia của Hitler mà mình mới đọc xong hồi tháng 1.
Kẻ trộm sách là một câu chuyện cảm động chân thực và cảm động về những con người trong một gia đình, một khu phố mang tên Thiên đường và về những con người không cùng dòng máu với nhau trong những năm chiến tranh khốc liệt và đẫm máu nhất lịch sử nước Đức dưới thời của Hitler.
Nếu bạn đã từng biết đến cô gái Do Thái Anne Frank và cuốn nhật ký gây chấn động của cô thì Kẻ trộm sách sẽ một lần nữa mang đến cho bạn một câu chuyện khác không kém phần bi kịch về một tay đấm bốc Do Thái. Người thanh niên ba mươi tuổi này (hoặc hơn nhưng chưa có gia đình, mình nhớ như thế có thể không chính xác) cũng đã ghi lại cuộc đời của mình thành một cuốn sách, nhưng anh ta dành tặng riêng nó cho Kẻ trộm sách – một đứa bé gái 13 tuổi đã không ngại trò chuyện cùng anh suốt những ngày tháng trốn chui trốn nhủi dưới căn hầm ẩm mốc và đọc sách cho anh nghe trong những ngày anh bệnh đến nằm liệt giường.
Ngoài ra, nếu ai đã từng có một người bạn thanh mai trúc mã thì khi đọc cuốn sách này chắc chắn sẽ thấy bồi hồi xúc động trước sự tử tế và đáng yêu của cậu bạn Rudy đối với Kẻ trộm sách – Liesel. Hồi còn nhỏ xíu xìu xiu (khoảng lớp 1 lớp 2 gì đó), mình cũng có thích một cô bạn cùng lớp. Nhưng mình không được mạnh dạn như cậu bé Rudy trong truyện này. Thay vì tìm cách thương lượng và đàm phán với đối phương để có một nụ hôn đầu bằng cách chạy đua maraton, ga lăng xách đồ hộ hay thậm chí là rủ đi trộm sách cùng nhau, thì mình hồi đó chỉ biết âm thầm theo dõi, à không, âm thầm quan sát cô bạn cùng lớp của mình. Máu nhát gái đó đến bây giờ vẫn còn âm ỉ trong người của mình 🙁
Có một người bạn cùng đọc sách là một điều tuyệt vời nhất. Đây là phát hiện thích thú nhất khi mình đọc cuốn sách này. Kẻ trộm sách có người bố nuôi đọc sách cùng cô bé mỗi đêm cho đến khi cả hai bố con buồn ngủ không mở mắt lên được. Còn mình thì may mắn có út cưng cùng đọc sách với mình mỗi khi mình về quê thăm mẹ.
Nhưng một mình làm bạn với sách cũng đã là một điều hạnh phúc. Kẻ trộm sách đã từng một mình lén lượm một cuốn sách của tay đào mộ đánh rơi mặc dù lúc này chưa hề biết đọc một chữ nào, một mình nhặt trộm hai cuốn sách Do Thái bị Đức Quốc Xã đốt sót và thậm chí một mình chui tọt vào thư viện trộm 1 cuốn sách rồi trộm tiếp một cuốn nữa, một cuốn nữa,… ở những lần sau và về nhà một mình đọc ngấu nghiến những thành quả mình trộm được một cách hạnh phúc.
Như ông nội mình có nói hồi bữa Tết vừa rồi khi hai ông cháu có dịp ngủ cùng nhau: “Ông nội không có một người bạn nào hết. Chỉ có sách là người bạn duy nhất bây giờ. Sách là người bạn chân thành và thẳng thắn nhất mà mình khó có thể tìm được ở một người. Vì sách trung thành với một triết lý từ đầu đến cuối, không như con người, hôm nay thế này nhưng ngày mai có thể thế khác.”
Dù là một đứa trẻ mới lớn như Kẻ trộm sách hay một thanh niên như tay đấm bốc người Do Thái, một người đàn ông đã lập gia đình như bố nuôi của Liesel hay là một ông cụ 77 tuổi như ông nội của mình, ai cũng tìm được niềm vui và hạnh phúc khi làm bạn với sách. Nên mình hy vọng ai đọc được đến đây, hãy làm bạn với sách, kể cả làm một việc hơi ngớ ngẩn như mình là đầu năm kết bạn với một Kẻ trộm sách.”
Một độc giả vô cùng tâm đắc bình luận ” Như đa số những quyển sách mà mình đã đọc và sẽ đọc, mình đến với Kẻ trộm sách một cách tình cờ mà cũng không tình cờ lắm. Chà, nghe có vẻ rắc rối nhưng mà thực ra thì đối với mình, ấn tượng đầu đối với một quyển sách không phải là bìa đẹp, cũng không phải mấy lời review hay độ nổi tiếng của nó, mà chính là tên tựa của nó. Chính cái tựa đã vô tình kéo mình vào câu chuyện kỳ lạ được kể bởi một “người” kỳ lạ mà mình muốn chia sẻ với các bạn.
Đầu tiên, đây là câu chuyện được kể bởi Thần Chết – một kẻ có khiếu hài hước và dễ mến. Đấy là khi mà bạn còn có thể cười được khi gặp ông ta – giống như Liesel Meminger đã làm. Ông ta có màu đen của chiếc áo choàng nhưng không có lưỡi hái như mọi người vẫn tưởng. Ông ta thích màu sắc và luôn giữ chặt những linh hồn được nhuộm màu còn con bé thì thích chơi với những từ ngữ. Có một điểm chung giữa họ – đó là đều thích những câu chuyện và kể chúng.
Câu chuyện của họ diễn ra vào Thế chiến thứ 2 tại nước Đức – nơi chủ nghĩa phát xít ngự trị, những người Do Thái bị truy nã và có một Quốc trưởng tàn bạo, khi mà Thần Chết luôn phải bận rộn với công việc còn Liesel thì mồ côi cha, mất em trai và được mẹ gửi tới sống tại phố Thiên Đàng – nơi mà cô bé sẽ gắn kết mọi người và sưởi ấm họ bằng trái tim của mình, nơi mà cô bé nhận được rất nhiều tình yêu thương của mọi người, mất đi nhiều thứ quý giá và trộm được một vài cuốn sách.
Một con bé vì mất đi người em trai, mất đi cha và bị chính mẹ ruột mình ruồng bỏ hẳn sẽ không thể là một con bé dễ thương được. Nó ngang bướng, ương ngạnh và nếu cần có thể đấm thẳng vào mặt bạn một cách không do dự. Nhưng con bé có một trái tim ấm áp, và bằng những từ ngữ học được, nó sẽ xoa dịu trái tim của những người Đức khốn khổ trong căn hầm tránh bom tại phố Thiên Đàng. Nó có ít sách, nhưng mỗi quyển sách là một phần cuộc sống của nó, là em trai nó,là cha nuôi Hans Huberman của nó, là Max – một người Do Thái bị truy nã có màu trắng bệch, là người bạn thân Rudy tóc vàng chanh (hay Rudy – đồ con lợn) của nó. Thần Chết thấy điều đó, ông quan sát kỹ nó như quan sát mọi cái chết trên đời.
Mối gắn kết mà Liesel trân trọng và muốn bảo vệ nhất là với gia đình người đã nhận nuôi nó,với bố Hans và mẹ Rosa. Hans là một người cha, người thầy và là một người bạn vĩ đại của nó, chính ông đã truyền cảm hứng cho nó đến với ngôn từ câu chữ và dành cho nó tình yêu bao la vô bờ bến. Rosa, tuy lúc nào cũng chửi nó là đồ con lợn nhưng luôn âm thầm yêu thương và bảo vệ nó. Rosa là một hình tượng tiêu biểu cho tình yêu thầm lặng, không phải lúc nào cũng biểu đạt thành lời. Hans và Rosa, gia đình của con bé, đưa chúng ta vượt ra khỏi trang sách mà nhìn về cha mẹ của mình, nhìn về những người đã luôn nhìn chúng ta mà chúng ta hoặc vô tâm, hoặc bỏ quên mất đã không nhận ra điều đó. Phải nói rằng tình cảm gia đình trong Kẻ trộm sách là một tình cảm rất đỗi thiêng liêng, cao cả mà không gì có thể cướp đi được, kể cả Thần Chết. Chính tình thương của gia đình Huberman đã tạo nên mái ấm cho Liesel dù họ không phải là cha mẹ ruột của con bé.
Liesel cũng có những tình bạn đặc biệt của riêng mình. Tình bạn với Rudy – đứa mà lúc nào cũng muốn Liesel hôn mình, nó đã yêu con bé và có một điều chắc chắn rằng Liesel là mối bận tâm lớn nhất của nó, nó có thể bất chấp cả dòng nước lạnh mùa đông, bị đánh cho bầm dập để bảo vệ con bé, thậm chí là người duy nhất đi ăn trộm cùng Liesel. Nhưng đáng tiếc thay, nó chỉ nhận được nụ hôn của con bé khi mà xác nó đã lạnh ngắt. Và Max, một người Do Thái bị chính quê hương mình truy nã, một tình bạn đặc biệt bất kể tuổi tác, một người đã gieo vào đầu nó cây từ ngữ và Quốc trưởng và nhiều thứ khác nữa…..
Bạn có thể bắt gặp nhiều nhân vật khác nữa, nhiều câu chuyện khác nữa, như mụ Diller, nhà Steiner hay bà vợ ông thị trưởng….. và câu chuyện của họ sẽ hòa lẫn vào câu chuyện của chính bạn. Bạn chắc cũng như mình, sẽ thấy được rằng có một người bạn thân thật là tốt – như Rudy. Bạn sẽ nhận ra quy luật nhân quả kín đáo nhưng hiện hữu trong suốt tác phẩm, những mối liên kết thầm lặng thông qua Thần Chết. Bạn sẽ biết khi nào mình cần kiên định với mục tiêu của mình, dù phải chống lại cả xã hội ,như Hans đã từng làm. Bạn nhận ra rằng cuộc sống không thiếu những phép màu, những điều kỳ diệu, chúng đến từ những thứ vô cùng giản đơn mà bạn sẽ chẳng thể nào nghĩ ra, một đồng xu, môt quả táo, một cuốn sách hay hơn hết là một người bạn. Và sau tất cả, một bài học nữa mà mình rút ra, cay đắng nhưng thấm thía, rằng cuộc sống vốn dĩ không công bằng, không tràn ngập màu hồng hay màu xanh mà nó đầy áp bức và bất công, có chăng thì đó là một màu xám ngắt. Nhưng thay vì tìm cách chống lại, hãy cố gắng tìm kiếm những giá trị cao đẹp mà cuộc đời đã vùi sâu, tìm kiếm niềm vui trong giông bão của chiến tranh, đó là thứ mà Liesel và Hans đã thực sự theo đuổi. Hãy tô vẽ thêm vào cuộc sống của bạn những gam màu tươi tắn, trong trẻo và làm cho màu xám trở nên trong suốt.
Nếu như bạn muốn tìm kiếm một nụ cười trong làn nước mắt, thì Kẻ trộm sách là một lựa chọn không tệ chút nào. Một trong những quyển sách mà nước mắt sẽ không uổng phí. Bạn nên đọc và để trái tim mình tan vỡ một chút, để rồi khi lành lại bạn sẽ nhận ra những nét đẹp mà bạn đã vô tình lướt qua. Thần Chết sẽ cho bạn một cái nhìn toàn diện về con người, về cái chết, chiến tranh, tình yêu, nỗi đau, từ những thứ nhỏ bé nhất cho tới những thứ lớn lao nhất, từ cái bình dị nhất cho tới cái điên rồ nhất, về “một giống loài xấu xa nhất, mà cũng vĩ đại nhất”
Bạn nên đọc nó, để nhận thấy những màu sắc như mình đã từng, hoặc những màu sắc của chính bạn.
Bạn phải đọc nó !…..
Đánh giá của mình: 5 sao “
Bạn Linh cảm thấy cuốn sách rất hay ” Một tác phẩm rất đáng đọc dành cho những bạn muốn tìm hiểu về Đức dưới thời trị vì của Hitle.
Nếu bạn đã quen nhinf nhận thời kỳ trị vì của Hitler dưới con mắt của người Do Thái thì Kẻ trộm sách là một tác phẩm rất đặc biệt: Nhìn Đức và Hitler qua con mắt người Đức. Ngôi kể của cuốn sách cũng rất đặc biệt, không phải là cô bé nhân vật chính, người cha, mà là một thần chết. Cô bé Liesel có khát khao cháy bỏng được biết đọc, và cô ăn trộm những cuốn sách để thỏa mãn ước nguyện của mình. Ngôn từ có ma lực của riêng chúng: Chính nhờ có từ ngữ mà Hitler đã gần như thống trị được cả thế giới, nhưng cũng chính nhờ từ ngữ mà cô bé Liesel mới thoát chết. Từ ngữ trong Kẻ trộm sách được nhắc đến thường xuyên và khó nắm bắt thư thể những nốt nhạc của một bản giao hưởng.
Tàn nhẫn và bạo ngược ở phần cuối cuốn sách làm độc giả phải rơi lệ, bởi sự hi sinh, sự cô độc, sự tàn nhẫn của những tên phát xít, đến mức người Do Thái không đồng tộc chúng giết đã đành, đến đồng tộc cũng không tha. Trước những gì con người gây ra cho đồng loại, Thần Chết phải thốt lên: “Tôi nhìn thấy sự xấu xí và vẻ đẹp của họ, và tôi tự hỏi rằng làm sao mà một thứ như vậy lại có thể mang cả hai thuộc tính này.”
Cuốn sách sau khi tái bản bìa đẹp hơn cuốn trước, nhưng bìa trong vãn như cũ, phong cách trình bày của cuốn sách đẹp lạ, phần đầu có vẻ hơi “khó đọc” nhưng càng đọc càng bị văn phong của tác giả hấp dẫn không ngừng lại được. “
Suy cho cùng, Kẻ trộm sách là một bộ phim đáng để xem về đề tài chiến tranh. Ở đó không có quá nhiều súng đạn, hay chủ nghĩa anh hùng, hay lý tưởng. Ở đó chỉ có những thân phận con người.