Năm 2019 đánh dấu có nhiều sự đột phá trong xu hướng phát triển công nghệ, đặc biệt là các công nghệ chiến lược và nền tảng đã được hình thành từ năm 2017, 2018 và nhiều năm trước đó nữa. Trong số đó phải kề tới top 10 xu hướng công nghệ hàng đầu như Blockchain, điện toán lượng tử, phân tích tăng cường, robot tự hành và trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra những đột phá, nhiều mô hình kinh doanh mới cũng xuất hiện và nhanh chóng gây tiếng vang cũng như ảnh hưởng trên toàn thế giới…
Với sự dẫn dắt của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, Apple, Facebook, IBM, Uber, Amazon… các công nghệ mới dần được hiện thực hóa và triển khai ứng dụng rộng rãi hơn trong đời sống.
Trong lĩnh vực Robot AI tự hành các công ty như Microsoft và Uber đang sử dụng robot Knightscope K5 để tuần tra bãi đậu xe và các khu vực ngoài trời lớn để kiểm soát an ninh cũng như dự đoán và ngăn chặn tội phạm. Các robots này có thể đọc biển số xe, báo cáo hoạt động phạm pháp hoặc đáng ngờ.
Trong khi đó thì Google tiếp tục triển khai và thử nghiệm với xe ô tô tự lái.
Dưới đây là top 10 xu hướng Công nghệ chiến lược hàng đầu theo Gartner thống kê dựa trên các số liệu thực tế phát triển, xu hướng thay đổi hoặc chưa được công nhận một cách rộng rãi. Các xu hướng công nghệ hot này được dự đoán sẽ gây ra tác động mạnh mẽ và làm thay đổi nền kinh tế công nghệ toàn cầu cho tới năm 2023.
1. Thiết bị tự hành thông minh (Autonomous Things)
Các thiết bị tự hành ngày nay không còn giới hạn trong sản xuất công nghiệp, quân sự hay phim ảnh nữa mà đang và đang được triển khai rất rộng rãi đến từng người tiêu dùng cá nhân. Có thể thấy rất nhiều xung quanh ta đó là xe hơi tự lái, robot hút bụi lau nhà, camera giám sát thông minh, máy bay không người lái (drone), các thiết bị gia dụng thông minh trong gia đình như tivi. máy lạnh, máy giặt, quạt, đèn… có chức năng kết nối và điều lập trình điều khiển từ xa.
Những thiết bị này được chia thành 5 nhóm tiêu biểu sau:
- Robot AI
- Xe tự lái
- Drone – máy bay không người lái
- Thiết bị gia dụng thông minh
- Trợ lý ảo thông minh
Tất cả chúng đều có hỗ trợ các cảm biến môi trường và phối hợp xử lý ở các mức độ và trí thông minh khác nhau. Điều này vẽ lên một bức tranh rộng lớn về các ứng dụng tiềm năng có thể phát triển và ứng dụng vào trong cuộc sống của chúng ta. Hầu như mọi ứng dụng, dịch vụ và đối tượng IoT sẽ kết hợp một số dạng AI để tự động hóa hoặc cải tiến thêm các quy trình hoặc trong các thao tác của con người. Những đồ vật tự hành cộng tác với con người như tập hợp các máy bay không người lái (drone) sẽ ngày càng thúc đẩy tương lai của các hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Ví dụ: Chúng ta có thể sử dụng một máy bay không người lái để tăng tầm điều khiển và giám sát một trang trại rộng lớn với các robot chuyên biệt hoạt động tại nhiều vị trí khác nhau, tất cả cùng kết nối vào một hệ điều khiển trung tâm giúp vận hành trang trại hoàn tự động.
2. Phân tích tăng cường (Augmented Analytics)
Phân tích tăng cường sẽ thiết lập một tiêu chuẩn mới cho tăng trưởng kinh doanh. Bắt đầu tận dụng công nghệ này từ sớm để gặt hái những lợi ích mà dữ liệu mang lại.
Kỷ nguyên của Big data
Big data là sự đổi mới mang tính đột phá được xây dựng dựa trên những tiến bộ trong công nghệ quản lý dữ liệu trong hơn 5 thập kỉ qua. Với big data, thông qua việc phân tích, dữ liệu sẽ được lưu trữ hiệu quả hơn, cùng với việc sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây, chi phí lưu trữ sẽ được tối ưu hơn. Thêm nữa, những cải tiến trong tốc độ mạng và độ tin cậy đã xóa bỏ những giới hạn vật lý trong việc quản lý lượng dữ liệu lớn với tốc độ chấp nhận được.
Phân tích tăng cường là gì?
Các nhà khoa học dữ liệu sở hữu số lượng dữ liệu ngày càng lớn hơn (Big data) và việc tổng hợp, phân tích và nhóm dữ liệu, từ đó đưa ra kết luận trở thành vấn đề nan giải và đòi hỏi các thuật toán tự động, trí tuệ nhân tạo hoặc máy học để hỗ trợ xử lý. Từ đó thuật ngữ Phân tích tăng cường (Augmented Analytics) ra đời.
Phân tích tăng cường được Gartner xác định là xu hướng hàng đầu số 1 về công nghệ dữ liệu và phân tích trong năm 2019 và các nhà lãnh đạo thị trường đã bắt đầu đầu tư vào ngành công nghiệp đang phát triển này.
Phân tích tăng cường là đại diện cho làn sóng lớn thứ ba về dữ liệu và năng lực phân tích khi các nhà khoa học dữ liệu sử dụng thuật toán tự động để kiểm định nhiều giả thuyết hơn. Nền tảng khoa học dữ liệu và máy học đã chuyển đổi cách các doanh nghiệp tạo ra thông tin phân tích sâu.
Đến năm 2020, số lượng các nhà khoa học dữ liệu là công dân bình thường sẽ tăng gấp năm lần so với các nhà khoa học dữ liệu chuyên nghiệp. Các nhà khoa học dữ liệu là công dân bình thường sử dụng các công cụ phân tích tăng cường được hỗ trợ bởi AI giúp tự động hóa tác vụ trong khoa học dữ liệu như tự động xác định các tập dữ liệu, phát triển giả thuyết và xác định các mẫu trong dữ liệu. Các doanh nghiệp sẽ coi các nhà khoa học dữ liệu là công dân để thúc đẩy và nhân rộng quy mô năng lực khoa học dữ liệu.
Đến năm 2020 sẽ có hơn 40% tác vụ trong khoa học dữ liệu được tự động hóa. – Gartner
3. Cải tiến theo hướng AI
Công nghệ AI đã có rất nhiều tiến bộ trong những năm qua và xu hướng trong năm 2019 cũng như sau này sẽ tiếp tục với những cải tiến và ứng dụng về AI được phổ biến được rộng rãi hơn nữa. Những cải tiến theo định hướng AI này sẽ hướng vào các công cụ, công nghệ và các phương pháp hay nhất để tạo các công cụ hỗ trợ AI cho quá trình phát triển sản phẩm.
Thị trường sẽ chuyển từ tập trung vào các nhà khoa học dữ liệu hợp tác với các nhà phát triển phần mềm thành mô hình các nhà phát triển phần mềm hoạt động độc lập bằng cách sử dụng các mô hình được xác định trước. Điều này cho phép nhiều nhà phát triển phần mềm sử dụng dịch vụ hơn và tăng tính hiệu quả. Các xu hướng này cũng dẫn đến việc sử dụng chính thống hơn từ các nhà phát triển phần mềm ảo và các nhà phát triển ứng dụng không chuyên llà công dân.
4. Song sinh kỹ thuật số (Digital Twin)
Song sinh kỹ thuật số là gì?
Song sinh kỹ thuật số (Digital Twin) là những biểu diễn kỹ thuật số phản ánh một đối tượng, quá trình hoặc hệ thống trong đời thực. Song sinh kỹ thuật số cũng có thể được liên kết để tạo ra cặp song sinh của các hệ thống lớn hơn, chẳng hạn như nhà máy điện hoặc thành phố. Ý tưởng về song sinh kỹ thuật số không phải là mới. Nó quay ngược trở lại biểu diễn thiết kế được hỗ trợ bởi máy tính về các đồ vật hoặc hồ sơ trực tuyến của khách hàng, nhưng song sinh kỹ thuật số ngày nay sẽ có khác biệt ở bốn điểm:
- Độ mạnh (Robustness) của các mô hình, tập trung vào cách chúng hỗ trợ các kết quả kinh doanh cụ thể.
- Liên kết với thế giới thực, có khả năng theo dõi và kiểm soát theo thời gian thực.
- Ứng dụng phân tích dữ liệu lớn tiên tiến và AI để thúc đẩy các cơ hội kinh doanh mới.
- Khả năng tương tác và đánh giá các kịch bản giả định.
Song sinh kỹ thuật số trong IoT giúp cải thiện việc ra quyết định của doanh nghiệp bằng cách cung cấp thông tin về bảo trì và độ tin cậy, thông tin sâu về làm thế nào sản phẩm có thể hoạt động hiệu quả hơn, các dữ liệu về sản phẩm mới và mức tăng về độ hiệu quả. Song sinh kỹ thuật số đang nổi lên như một giải pháp để xây dựng các mô hình quy trình tổ chức, cho phép theo dõi trên thời gian thực và tăng hiệu quả cho quy trình.
5. Công nghệ Edge (Edge computing)
Điện toán biên (Edge computing) là một cấu trúc liên kết nơi mà việc xử lý thông tin, thu thập nội dung và phân phối được đặt gần nguồn thông tin hơn, với mục tiêu giữ lưu lượng truy cập nội bộ sẽ giảm độ trễ (latency). Sự đầu tư tập trung của công nghệ này là kết quả của nhu cầu về việc hệ thống IoT có thể đáp ứng được các năng lực phân tán, ứng dụng nhúng trong lĩnh vực IoT. Loại hình cấu trúc liên kết này sẽ giải quyết các thách thức của chi phí WAN cao và mức độ trễ không thể chấp nhận được. Hơn nữa, nó sẽ cho phép tập trung được vào chi tiết cụ thể của giải pháp kinh doanh kỹ thuật số và CNTT.
“Công nghệ và tư duy sẽ tiến tới một điểm nơi mà trải nghiệm sẽ kết nối mọi người với hàng trăm thiết bị biên (Edge)”
Từ nay cho tới 2028, Gartner kì vọng sự gia tăng ổn định trong việc nhúng cảm biến, lưu trữ, tính toán và các năng lực AI tiên tiến trong các thiết bị Edge. Nói chung, tính thông minh của một loạt các thiết bị đầu cuối, từ thiết bị công nghiệp đến màn hình đến điện thoại thông minh cho máy phát điện ô tô sẽ dịch chuyển về Edge.
6. Công nghệ thực tế ảo AR/VR/MR
Dự đoán tới năm 2028, các nền tảng hội thoại, cách người dùng tương tác với thế giới sẽ thay đổi hoàn toàn và các công nghệ như thực tế tăng cường (AR), thực tế hỗn hợp (MR) và thực tế ảo (VR), sẽ là công nghệ chính giúp thay đổi cách người dùng cảm nhận về thế giới. Các thế hệ tiếp theo của VR là AR MR có thể cảm nhận được hình dạng và theo dõi vị trí của người dùng và cho phép mọi người được xem và tương tác với các đồ vật, người hoặc ngữ cảnh môi trường.
Theo đó, đến năm 2022, sẽ có khoảng 70% doanh nghiệp sẽ áp dụng hoặc thử nghiệm các công nghệ nhập vai để tăng cường trải nghiệm sử dụng của người tiêu dùng; 25% doanh nghiệp sẽ triển khai ứng dụng vào sản xuất. Tương lai của các nền tảng hội thoại, bao gồm từ trợ lý ảo đến chatbots, sẽ kết hợp các cảm biến mở rộng cho phép nền tảng phát hiện được cảm xúc dựa trên các nét mặt.
Cuối cùng, công nghệ và tư duy sẽ dịch chuyển tới một điểm mà trải nghiệm sẽ kết nối con người với hàng trăm thiết bị biên (edge) khác nhau, từ máy tính đến ô tô.
7. Blockchain
Công nghệ Blockchain cũng như các ứng dụng của nó đã bắt đầu được sử dụng trong ngành tài chính cũng như mở rộng cho lĩnh vực chính phủ, y tế sức khỏe, sản xuất, chuỗi cung ứng và rất nhiều lĩnh vực khác. Blockchain giúp tăng sự tin cậy, minh bạch, giúp giảm chi phí, giảm thời gian thanh toán giao dịch và cải thiện dòng tiền. Công nghệ này cũng đã mở ra một loạt các giải pháp khác sử dụng blockchain để ứng dụng vào thực tế.
Dù các mô hình thuần blockchain vẫn chưa phát triển hoàn thiện và còn nhiều hạn chế để có thể nhân rộng quy mô cũng như sự chấp nhận của người tiêu dùng, đặc biệt là cách chính phủ, Ngân hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên bắt đầu tiến hành xem xét và đánh giá công nghệ này từ vài năm nay vì blockchain được dự đoán sẽ tạo ra 3.1 nghìn tỷ đôla giá trị trong kinh doanh vào năm 2030.
8. Không gian thông minh
Một không gian thông minh có thể là một môi trường vật lý hoặc kỹ thuật số hoặc kết hợp cả hai mà trong đó con người và các hệ thống hỗ trợ công nghệ tương tác với nhau trong một hệ sinh thái theo hướng ngày càng mở, kết nối, phối hợp với nhau một cách ngày càng thông minh hơn. Nói cách khách, không gian thông minh chính là khái niệm rộng lớn bao quát hơn của nhà thông minh. Đó có thể là một tòa nhà lớn, một khu phức hợp khoa học, khu công nghiệp… và thậm chí một thành phố, một đất nước.
Không gian thông minh có 5 đặc điểm sau:
- Tính mở
- Kết nối
- Độ phối hợp
- Tính thông minh
- Phạm vi
Khi công nghệ trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày, các không gian thông minh sẽ bước vào giai đoạn phát triển rất nhanh. Hơn nữa, các xu hướng khác như công nghệ AI, máy tính lượng tử, blockchain và song sinh kỹ thuật số đang hướng tới hỗ trợ cho xu hướng này.
Về cơ bản, các không gian thông minh được xây dựng dựa trên các công nghệ riêng lẻ làm việc cùng nhau tạo ra một môi trường tương tác hoàn toàn tự động.
Ví dụ khái quát nhất về không gian thông minh là thành phố thông minh, nơi kết hợp các cộng đồng doanh nghiệp, dân cư, chuỗi cung ứng và khu công nghiệp. Các cụm này được thiết kế đồng bộ và thống nhất để có thể tích hợp được vào trong framework hệ sinh thái đô thị thông minh với tất cả các lĩnh vực liên quan tới việc phục vụ cho cộng đồng sinh sống trong đó.
9. Đạo đức và quyền riêng tư kỹ thuật số
Người tiêu dùng ngày càng nhận thức được giá trị thông tin cá nhân của mình. Các doanh nghiệp không chú ý tới điều này sẽ đối diện với nguy cơ pháp lý hoặc gặp phản làn sóng phản đối từ người tiêu dùng. Tiêu biểu nhất Facebook với hàng loạt rắc rối về pháp lý và bảo mật thông tin. Mới đây nhất là 2 phiên điều trần của Mark Zuckerberg trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ về vấn đề bảo mật, quyền riêng tư và cả đồng tiền mới của Facebook là Lybra.
Những thảo luận về quyền riêng tư phải được căn cứ vào đạo đức và sự tin tưởng. Các trao đổi nên chuyển từ “Chúng tôi có tuân thủ không?” thành “Chúng ta có đang làm đúng không?”
Chính phủ đang nhanh chóng lập kế hoạch hoặc thông qua các luật mà các công ty phải tuân thủ và người tiêu dùng ngày càng bảo vệ hoặc xóa thông tin về bản thân họ. Để thành công, các công ty phải lấy được sự tin tưởng và duy trì nó với khách hàng.
10. Máy tính lượng tử ( Quantum Supremacy,)
Mới đây, Google chính thức tuyên bố mình đã đạt được ưu thế với chiếc máy tính lượng tử (Quantum Supremacy) mạnh nhất thế giới. Theo đó, máy tính lượng tử Sycamore của Google chỉ mất 200 giây để giải xong bài toán mà siêu máy tính mạnh nhất thế giới trước đó của IBM phải mất 10.000 năm mới xong.
Với Ưu thế Lượng tử – Quantum Supremacy của các máy tính ngày nay là dấu mốc công nghệ cho thấy máy tính thế hệ mới đã giải quyết được vấn đề toán học mà máy tính cổ điển không thể làm được hoặc mất hàng trăm năm, hàng ngàn năm để giải quyết.
Google nói rằng bộ xử lý lượng tử Sycamore 54 qubit của mình chỉ mất 200 giây để thực hiện xong phép toàn mà máy tính Summit – siêu máy tính mạnh nhất Trái Đất do IBM chế tạo – phải mất 10.000 năm mới giải xong. Nếu siêu máy tính mạnh nhất thế giới còn phải tính lâu vậy, thì máy tính thường không “có cửa”, đồng nghĩa với việc Sycamore đã đạt được ưu thế lượng tử.
Trên đây là top 10 xu hướng công nghệ hàng đầu tiêu biểu nhất như Blockchain, điện toán lượng tử, phân tích tăng cường, robot tự hành và trí tuệ nhân tạo là những lĩnh vực sẽ tạo ra những đột phá, ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới chúng ta. Nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trên toàn thế giới… Hy vọng bài viết sẽ cho những cái nhìn và dự đoán về tương lai gần. Nếu các bạn có góp ý gì về bài viết, xin vui lòng để lại comment bên dưới đây nhé!